Diễn biến Chiến_dịch_tấn_công_Uman–Botoşani

Tiến đến sông Nam Bug

Đêm 4 tháng 3, các quân đoàn bộ binh Liên Xô ở tuyến đầu đã tiến hành các trận đánh trinh sát, xác định lần cuối cùng hệ thống hỏa điểm, trận địa phòng thủ, các bãi mìn, các chướng ngại chống tăng của quân Đức. Các trung đội trinh sát pháo binh đã hoàn thành việc cung cấp tọa độ, phần tử bắn và chiếm lĩnh các đài quan sát hiệu chỉnh pháo. Ngày 5 tháng 3, chiến dịch mở màn sau một đợt bắn phá dữ dội và đạt hiệu quả cao của pháo binh. Các quân đoàn thê đội 1 của 10 tập đoàn quân trên tuyến mặt trận dài hơn 300 km đều đồng loạt phát động tấn công. Trọng tâm của chiến sự diễn ra tại vị trí của cánh quân xung kích gồm các tập đoàn quân xe tăng 2 và cận vệ 5, các tập đoàn quân 27, 52 và cận vệ 4 tấn công trên chính diện rộng 175 cây số từ Ilintsy đến Kanizh. Trong ngày đầu tiên, các Tập đoàn quân 27 và 52 đã phá vỡ trận địa phòng ngự của các sư đoàn bộ binh 62 và 106 (Đức) ở phía trước tuyến sông Gornyi Tikch. Chiều ngày 5 tháng 3, Tập đoàn quân 27 đã đánh chiếm điểm cao 244,7 và tràn xuống thị trấn Chemerishkoye; Tập đoàn quân 52 cũng nhanh chóng đánh bật Sư đoàn bộ binh 167 (Đức) về ngã ba sông Tikich chính và Tikich phụ. Ở trung tâm chính diện tấn công, các tập đoàn quân cận vệ 4 và 53 cũng hoàn thành mục tiêu đánh chiếm các cứ điểm Ryzhanovka, Popovka và Likhovets. Tập đoàn quân 40 đã tiến ra con đường ô tô đi Uman. Trong ngày đầu tiên, các tập đoàn quân cánh phải và trung tâm của Phương diện quân Ukraina 2 đã hoàn thành tất cả các mục tiêu đặt ra.[22]

Ngày 6 tháng 3. Bộ tư lệnh Phương diện quân tung các tập đoàn quân xe tăng 2 và cận vệ 5 vào trận. Cánh quân xung kích của Tập đoàn quân xe tăng 2 gồm 174 xe tăng và 57 pháo tự hành tấn công theo cửa mở do Tập đoàn quân 27 đột phá được đã đánh tràn đến sông Gornyi Tikich, giao chiến trực diện với Sư đoàn xe tăng 3 (Đức) đang chống giữ thị trấn Talnoye và cây cầu đường sắt tại đây. Cánh quân xung kích của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 có 169 xe tăng và 27 pháo tự hành đã đột phá đến Veselyi Kut - Sokolovochka và giao chiến ác liệt với Sư đoàn xe tăng 14 (Đức) ở cửa sông Gornyi Tikich - Sinyukha.[19]

Ngày 7 tháng 3, các trận giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra tại vùng trũng ngập rộng từ 100 đến 200 mét trên hai bờ sông Tikich chỉ rộng 20 mét và sâu 2 mét. Các sư đoàn bộ binh 62, 106, 167 và 282 (Đức) được 2 sư đoàn xe tăng hỗ trợ đã tổ chức phòng thủ ở cả hai bờ sông, cố gắng hất quân Liên Xô ra xa. Đây cũng là ngày mà Tập đoàn quân không quân 5 tung ra hơn 500 phi vụ cường kích và ném bom với sự yểm hộ của hơn 150 phi vụ tiêm kích đánh vào xe tăng và các chốt phòng ngự của quân Đức. Được sự hỗ trợ của không quân, các Tập đoàn quân xe tăng 2 và cận vệ 5 cùng với ba tập đoàn quân bộ binh đã bẻ gãy sức kháng cự của 6 sư đoàn Đức và vượt sông tại nhiều điểm. Chiều tối ngày 7 tháng 2, Quân đoàn xe tăng 18 (Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5) và các lữ đoàn bộ binh cơ giới cận vệ 5, 6, 7 (Quân đoàn bộ binh cận vệ 20) đã đánh bật Sư đoàn xe tăng 14 (Đức) khỏi "điểm nút" ở cửa sông Gornyi Tikich - Sinyukha và lao về hướng NovoArkhangensk. Quân đoàn xe tăng 3 (Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 2) và Sư đoàn bộ binh cơ giới cận vệ 3 (Tập đoàn quân 27) đã đánh bại Sư đoàn xe tăng 3 và sư đoàn bộ binh 62 (Đức), chiếm giữ nguyên vẹn cây cầu đường sắt ở Talnoye và tiến nhanh về hướng Khristinovka.[20]

Ở cánh phải, Tập đoàn quân 40 cũng phát động cuộc tấn công về Gaisin nhưng do hỏa lực pháo binh không đủ nên đến cuối ngày 6 tháng 3, Quân đoàn bộ binh 50 cần phải dừng lại trước lớp phòng ngự thứ hai của Sư đoàn bộ binh 320 (Đức) có trung đoàn xe tăng 108 (Sư đoàn xe tăng 14) yểm hộ. Tướng F. F. Zhmachenko kéo Trung đoàn pháo tự hành 1898 và Lữ đoàn pháo chống tăng 94 lên hỗ trợ hỏa lực cũng không giải quyết dứt điểm được. Ngày 7 tháng 3, Tư lệnh I. S. Konev điều Quân đoàn xe tăng cận vệ 5 (Tập đoàn quân xe tăng 6) vào khu vực đột phá. Ngày 8 tháng 3, Tập đoàn quân 40 và Quân đoàn xe tăng cận vệ 5 đã vượt qua tuyến đường sắt Lipovets-Uman. Quân đoàn cơ giới cận vệ 5 được triển khai nhằm vào Khristinovka.

Ngày 7 tháng 3, các tập đoàn quân cận vệ 5 và 7 cũng phát động cuộc tấn công hợp điểm về NovoUkrainka. Tập đoàn quân cận vệ 7 chỉ để lại Lữ đoàn bộ binh 3 và Trung đoàn cơ giới 8 phối hợp với cánh phải của Tập đoàn quân 57 giải quyết cứ điểm tiền tiêu Novgorodka của quân Đức. Chủ lực tập đoàn quân gồm 2 quân đoàn bộ binh cận vệ, lữ đoàn xe tăng 27 và 2 trung đoàn pháo tự hành đều tấn công dọc theo con đường bộ Kirovograd-NovoUkrainka. Tập đoàn quân cận vệ 5 cũng huy động cả hai quân đoàn bộ binh tấn công thọc hai bên con đường sắt Lipyanka-NovoUkrainka. Ngày 8 tháng 3, Tập đoàn quân cận vệ 7 chiếm Rovnov (???), đánh thiệt hại nặng Sư đoàn bộ binh 384 (Đức). Lữ đoàn xe tăng 27 lao về đầu mối đường sắt Pomosnaya, phía Nam NovoUkrainka. Tập đoàn quân cận vệ 5 khắc phục được điểm chốt của Sư đoàn bộ binh 9 (Đức) ở Malyi Viskva và áp sát NovoUkrainka. Ngày 9 tháng 3, Quân đoàn bộ binh cận vệ 24 và Lữ đoàn xe tăng 27 (Tập đoàn quân cận vệ 7) đánh chiếm Pomosnaya; Quân đoàn bộ binh 33 (Tập đoàn quân cận vệ 5) đánh chiếm NovoUkrainka. Các sư đoàn bộ binh 9, 17 và Trung đoàn xe tăng 93 (Sư đoàn xe tăng 13 Đức) dựa vào các chướng ngại trong thị trấn đã chống đỡ kịch liệt. Nhưng đến khi các tiểu đoàn súng phun lửa và các trung đoàn pháo tự hành Liên Xô được lên phía trước thì các hỏa điểm phòng thủ của quân Đức, kể cả hỏa điểm bằng xe tăng đều lần lượt bị dập tắt. Sang ngày 10 tháng 3, hai đầu mối đường sắt quan trọng tại NovoUkrainka và Pomoshnaya đều lọt vào tay quân đội Liên Xô. Tàn quân của hai sư đoàn bộ binh Đức được các trung đoàn xe tăng 4, 66 từ Pervomaisk kéo lên yểm hộ, từ từ rút về tuyến sông Nam Bug.[18]

Ngày 9 tháng 3, khu phòng thủ Khristinovka - Uman của quân Đức bị nửa hợp vây từ ba phía. Các sư đoàn xe tăng 13 và 14 Đức chống trả kịch liệt Tập đoàn quân xe tăng 6 tại Potash, phía Bắc Uman. Kết thúc ngày 9 tháng 3, hai bên để lại trên chiến trường gần 200 xe tăng bị bắn cháy và bắn hỏng và quân Đức đã phải tháo lui. Ngày 10 tháng 3, các sư đoàn Đức phòng thủ tại đây buộc phải chia làm hai toán rút lui theo đường sắt từ Khristinovka đi Vapnyanka và đường bộ từ Uman đi Pervomaisk. Nếu như cánh quân bộ binh ở Khristinovka có thể rút về tuyến sông Nam Bug với ít thiệt hại hơn do sau lưng họ không có quân đội Liên Xô, thì cánh quân xe tăng rút về Pervomaisk đã rơi đúng vào tuyến tấn công của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 (Liên Xô). Vì không còn nhiên liệu, một số tiểu đoàn xe tăng Đức đã phải bỏ xe tăng, dùng ô tô để rút chạy. Báo cáo chiến đấu của Hội đồng quân sự Phương diện quân Ukraina 2 cho biết quân đội Liên Xô đã bắt giữ nhiều xe tăng của Đức, có hơn 50 xe tăng còn hoạt động được. Kết thúc trận đánh chiếm Khristinovka, Tập đoàn quân xe tăng 6 chỉ còn lại hơn 20 xe tăng và Quân đoàn bộ binh 104 cũng bị tiêu hao sinh lực, được Bộ tư lệnh Phương diện quân rút về lực lượng dự bị để củng cố lại.[3].

Ngày 10 tháng 3, các đơn vị của Tập đoàn quân xe tăng 2, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 và Tập đoàn quân 52 đã từ ba hướng đột nhập vào Uman, giải phóng thành phố. Ngày 11 tháng 3, không hề dừng lại tại Uman, các Tập đoàn quân xe tăng và bộ binh Liên Xô tiếp tục tiến công về sông Nam Bug. Quân đoàn xe tăng 3 (Tập đoàn quân xe tăng 3) và Tập đoàn quân 40 vượt qua Breslov (???) đánh chiếm Ladyzhin. Quân đoàn xe tăng 29 (Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5) cùng Tập đoàn quân cận vệ 4 đánh chiếm Gaivoron, Quân đoàn xe tăng 16 (Tập đoàn quân xe tăng 2) và Tập đoàn quân 27 đánh chiếm Dzhulinka, cả hai đều là những đầu cầu quan trọng trên bờ sông Nam Bug. Ở phía Nam, các tập đoàn quân cận vệ 5 và 7 cũng tiến công thuận lợi và bao vây Pervomaisk từ ba phía. Trên bờ trái sông Nam Bug, các đơn vị tiền đội của các tập đoàn quân đã nhanh chóng thiết lập những bàn đạp vượt sông dọc hơn 100 km của mặt trận, đánh chiếm các đầu cầu ở bên kia sông, xây dựng các bến vượt và chuẩn bị nhiều , mảng, xuồng, cầu phao cũng như nhiều phương tiện tự chế.[23]

Vượt sông Dniestr

Sông Nam Bug là một trong hai tuyến phòng thủ chính của Tập đoàn quân 8 (Đức). Ngày 10 tháng 3, Berlin ra lệnh vắn tắt cho tướng Otto Wöhler:

Phòng tuyến sông Nam Bug phải trở thành một con đập đánh tan các cuộc tấn công của người Nga
— Wolfschanz

Ngày 11 tháng 3, Đại bản doanh Liên Xô có chỉ lệnh mới cho Phương diện quân Ukraina 2:

Duy trì tốc độ tấn công, liên tục truy kích để không cho quân Đức trụ lại trên tuyên sông Nam Bug. Cánh phải của Phương diện quân phải vượt sông Nam Bug, đánh chiếm Murovannyie (Murovani Kurylivtsi), Mogilev-Podolsky, chiếm các cầu, các bến vượt trên sông Dniestr và vượt sông trong hành tiến. Cánh trái của Phương diện quân (các tập đoàn quân cận vệ 5, 7 phải đánh chiếm Pervomaisk trong thời gian sớm nhất, đến ngày 17 tháng 3 phải tiến ra tuyến Balta - Kotovsk. Zhadov (???) (Tập đoàn quân cận vệ 5) cần hỗ trợ che chắn bên sườn cho Phương diện quân Ukraina 3 đánh chiếm Odessa. Tuyến phân giới giữa hai phương diện quân từ Konstantinovka đến phía Nam Dubotsary (Dubasari).
— Stavka, [23]

Sau hai ngày chuẩn bị, 3 giờ sáng 13 tháng 3, trận vượt sông Nam Bug đầu tiên được tổ chức ở Ladyzhin. Các sư đoàn bộ binh cận vệ 41 và 62 của Tập đoàn quân cận vệ 4 phối hợp với các Lữ đoàn cơ giới 15 và 57 (Tập đoàn quân xe tăng 2) đã sử dụng các bến vượt được tạo bởi các thuyền bè kết lại và vượt sông thành công gần cây cầu đường sắt vừa bị quân Đức phá hủy ngày 11 tháng 3. 7 giờ sáng, cả hai lữ đoàn cơ giới và 2 sư đoàn bộ binh đã có mặt ở hữu ngạn và tấn công Ladyzhin. Sư đoàn bộ binh 198 (Đức) hoàn toàn bị bất ngờ, phải vừa đánh vừa lùi khỏi Ladyzhin. 14 giờ cùng ngày, toàn bộ Quân đoàn bộ binh cận vệ 20 đã sang sông và nhanh chóng mở rộng căn cứ đầu cầu. Ngày 15 tháng 3, các lữ đoàn cơ giới 15, 57 và trung đoàn xe tăng 156 (tăng viện) đã tấn công, đánh chiếm Vapnyarka, một ngã ba đường sắt quan trọng ở phía Tây sông Nam Bug 45 km. Đến ngày 16 tháng 3, trừ hai tập đoàn quân cận vệ 5 và 7 đang tấn công Pervomaisk, các tập đoàn quân của Phương diện quân đều vượt sông trong hành tiến. Ngày 17 tháng 3, sau khi được bổ sung xe tăng và các tổ lái, Quân đoàn xe tăng cận vệ 20 được điều động cho Tập đoàn quân xe tăng 6 đã đến mặt trận và ngay lập tức cùng Tập đoàn quân 40 đột kích vào Mogilev-Podolskiy. Các lữ đoàn cơ giới 15 và 57 sau khi đón gặp Tập đoàn quân 27 vượt sang ở phía Nam Ladyzhin đã đột kích về hướng Yampol-Dniestr.[19]

Ở cánh giữa, Tập đoàn quân xe tăng 5 có lực lượng công binh và phòng không mạnh đã lắp đặt hai cầu pháo dài hơn 110 mét có trọng tải 18 tấn và tổ chức 3 bến vượt bằng phà gỗ trên khu vực từ Dzhulynka đến Gaivoron. Các phi công Đức không thể nào lại gần những cây cầu và bến vượt vì bị hỏa lực cao xạ dày đặc hất lên cao. Khi đó, các máy bay tiêm kích của Tập đoàn không quân 5 xuất hiện và các trận không chiến diễn ra trong khi bộ binh và xe tăng Liên Xô vẫn ào ạt qua sông. Tuy nhiên, các trận không chiến ngày càng thưa dần khi trời bắt đầu đổ mưa và pháo binh có nhiệm vụ thay thế. Từ bờ tả ngạn, pháo binh của các tập đoàn quân và pháo binh hạng nặng của phương diện quân đưa đến đã gần như quét sạch bờ sông, làm sụp đổ các công trình phòng thủ bằng gỗ và đất của quân Đức. Pháo binh Đức cũng tổ chức một số trận phản pháo nhưng do thua kém về số lượng nên không thể bắn hỏng các cầu phao và phá hủy các bến vượt sông của quân đội Liên Xô như họ đã làm được nhiều lần trong Trận sông Dniepr. Ngày 18 tháng 3, quân Đức đã phải rút bỏ hầu hết các vị trí trên bờ phải sông Nam Bug để lùi về tuyến sông Dniestr. Trên con đường chính từ bến phà Dzhulynka đến Kodyma dày đặc quân trang, quân dụng và xe cộ các loại của quân Đức.[22]

Trong khi đó, cuộc chiến giành giật Pervomaisk vẫn diễn ra ác liệt. Từ ngày 13 đến ngày 19 tháng 3, các sư đoàn xe tăng 13 và 24 (Đức) nhiều lần mở cuộc phản công vào Tập đoàn quân cận vệ 7 ở Pomoshnaya để nới rộng vòng vây quanh thành phố. Do lữ đoàn xe tăng cận vệ 27 của Tập đoàn quân cận vệ 7 không đủ sức đánh lui đòn công kích của hai sư đoàn xe tăng Đức, Nguyên soái I. S. Konev điều Quân đoàn cơ giới 7 từ lực lượng dự bị tăng viện cho Tập đoàn quân cận vệ 5 vào thay Tập đoàn quân cận vệ 7 chặn đứng đòn công kích của các xe tăng Đức vào Pomoshnaya và tiếp tục công kích. Tập đoàn quân cận vệ 4 được tăng cường Quân đoàn kỵ binh cận vệ 5 cũng được điều về hướng Pervomaisk. Không chịu nổi đòn công kích của ba tập đoàn quân Liên Xô, các sư đoàn xe tăng 13, 24 và Quân đoàn bộ binh 4 (Đức) phải bỏ Pervomaisk tháo chạy về Banta và Kotovsk. Ngày 22 tháng 3, Quân đội Liên Xô giải phóng Pervomaisk. Ngày 23 tháng 3, Tập đoàn quân cận vệ 7 do chịu nhiều thiệt hại đã phải dừng lại ở Pervomaisk để củng cố. Trong khi đó, Quân đoàn kỵ binh cận vệ 5 và Quân đoàn cơ giới 7 còn đang sung sức đã lập tức truy kích các sư đoàn xe tăng Đức đang rút về Balta và Kotovsk. Quân đoàn bộ binh 4 (Đức) phải cắt rừng chạy về Dubasary sau khi được Quân đoàn bộ binh 52 che chắn bên sườn, tạm thời cản được đòn truy đuổi của Tập đoàn quân cận vệ 5 trên con đường xe lửa Kotovsk - Odessa.[18]

Từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 3, các tập đoàn quân cánh phải của Phương diện quân Ukraina 2 tăng tốc độ truy kích lên 20 đến 30 km mỗi ngày và đến ngày 18 tháng 3, đã đánh chiếm Yampol trên sông Dniestr, áp sát Mogilev-Podolsky và đánh chiếm một đầu cầu tại khúc cong nhỏ của sông Dniestr ở phía Bắc Soroki. Ở cánh giữa, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 và các tập đoàn quân 52, 53 dễ dàng vượt qua con sông Balta nông và hẹp, đánh chiếm Kodyma và Kamenka. Ngày 18 tháng 3, các quân đoàn bộ binh 47 và 48 cùng Quân đoàn cơ giới cận vệ 5 vượt sông trong hành tiến, đánh chiếm Rybnitsa và tiến về Orgeev. Quân đoàn xe tăng 16 và các quân đoàn bộ binh 73 và 78 cũng vượt sông đánh chiếm Soroki (Soroca) và tiến nhanh đến Bălţi. Phát hiện cánh các tập đoàn quân 52, 53 và xe tăng cận vệ 5 tấn công quá nhanh, Nguyên soái I. S. Konev hạ lệnh cho Tập đoàn quân xe tăng 6 (được tăng cường Quân đoàn xe tăng 20 thay Quân đoàn cơ giới 5) và tập đoàn quân 27 phải nhanh chóng vượt sông. Ngày 18 tháng 3, Lữ đoàn công binh 25 được điều đến bờ đối diện Mogilev-Podolsky. Tại đây họ đã làm được 110 bè và 40 thuyền phao, lắp đặt 4 ponton có sức chở 30 tấn và 8 chiếc phà có sức chở 10 tấn. Ngày 20 tháng 3, công binh Liên Xô đã hoàn thành xây dựng 2 cầu phao dài 225 mét, có tải trọng 40 tấn, bảo đảm cho xe tăng qua sông. Ngày 21 tháng 3, các tập đoàn quân Liên Xô vượt sông Dniestr đánh chiếm một đầu cầu rộng đến 80 km sâu đến 40 km, giải phóng Mogilev-Podolsk. Ở cánh trái, các tập đoàn quân cận vệ 4 và 5 đã vượt qua tuyến phòng ngự lâm thời của Quân đoàn bộ binh 52 (Đức) đánh chiếm Kotovsk và tiến mạnh về Dubasary.[19]

Hai đoạn sông Prut

Khi cuộc vượt sông Dniestr của quân đội Liên Xô đang diễn ra thuận lợi, hầu hết các quân đoàn phái đi trước của các Tập đoàn đoàn quân đã bắt đầu tác chiến bên hữu ngạn sông Dniestr thì ngày 22 tháng 3, Tổng tư lệnh Liên Xô I. V. Stalin gửi cho I. S. Konev một bức điện hỏa tốc:

Do sự tụt hậu của Phương diện quân Ukraina 3 bởi sức chống cự mạnh của đối phương ở hạ lưu sông Nam Bug. Tôi ra lệnh:1- Cánh trái của Phương diện quân Ukraina 2, trong đó, Tập đoàn quân cận vệ 5 sau khi vượt qua Pervomaisk cần di chuyển về phía Nam, Bendery (Bender), Tiraspol. Tập đoàn quân 53 chuyển mục tiêu hướng đến Dubotsary (Dubasari). Tránh lãng phí quân tập trung vào trung lưu Dniestr.2- Cánh phải vượt sông Prut, tổ chức một đòn đánh của 2 tập đoàn quân bộ binh, 2 tập đoàn quân xe tăng dọc theo bờ Tây sông Dniestr, nhằm hướng Ungheny, Chişinău.3- Giao nhiệm vụ cho Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 đột kích vào Chişinău trên bờ Tây sông Dniestr.4- Thời gian tấn công không muộn hơn ngày 24 hoặc 25 tháng 3.Các cuộc tấn công trên bờ Đông sông Dniestr vẫn tiếp tục
— Ivanov, [3]

Nhận được bức điện, I. S Konev thốt lên: "Đây là một nhiệm vụ nghẹt thở".[23] Nó làm tăng giãn cách giữa các tập đoàn quân. Trong đó, Tập đoàn quân 40 khi tiến đến Khotyn theo kế hoạch thì giãn cách giữa tập đoàn quân này với Tập đoàn quân 27 có thể lên đến vài chục km. Do mệnh lệnh yêu cầu phải tổ chức tấn công dọc bờ Tây Dniestr bằng 2 tập đoàn quân xe tăng trong khi Tập đoàn quân xe tăng 5 có nhiệm vụ đột phá đến Chişinău, cánh bắc hầu như không còn lực lượng xe tăng đáng kể. I. S. Konev phải điều Tập đoàn quân cận vệ 7 (chưa phục hồi hoàn toàn) lên cánh Bắc và chêm nó vào chỗ trống giữa các tập đoàn quân 27 và 40, đồng thời đề nghị I. V. Stalin cho chuyển dịch tuyến phân giới với Phương diện quân Ukraina 1 chếch xuống phía Nam đến khu vực Seret (Siret) - Redeutsi (Radauti). I. V. Stalin chấp thuận.[3]

Có thêm lực lượng bộ binh và chính diện được thu hẹp lại, trong các ngày từ 26 đến 27 tháng 3, các tập đoàn quân 27, 52 đã tổ chức vượt sông Prut thành công ở Lopatnika (Lopatnic), đánh chiếm Botoşani và tiến về phía Nam để hội quân với các Tập đoàn quân xe tăng 2, 6 tại phía Bắc Iaşi. Ngày 28 tháng 3, 6 sư đoàn bộ binh và Sư đoàn đổ bộ đường không 3 của các tập đoàn quân nói trên đã tác chiến trên lãnh thổ Romania. Ngày 30 tháng 3, cánh trái của Tập đoàn quân 40 và Tập đoàn quân cận vệ 7 cũng vượt sông Prut ở Lipkany, tràn qua Dorokhoy (Dorohoi) và tiến ra bố trí phòng ngự trên tuyến Radeutsy (Radauti) - Suchava (Suceava) - Felticheny (Falticeni).[23] Cánh trái của Tập đoàn quân số 40 của Phương diện quân Ukraina 2 vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao cho họ là cắt đường lui của Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức). Cùng phối hợp với họ là các đơn vị của Phương diện quân Ukraina 1 đang thanh toán quân Đức trong "cái chảo" Kamenets-Podolsk. Sau khi đánh lui một đợt phản kích của Quân đoàn xe tăng 3 Đức tại Khotyn, Quân đoàn bộ binh 104 và Quân đoàn cơ giới cận vệ 5 đã mở đòn tấn công từ đầu cầu vượt sông tới Dnister nhưng đến ngày 3 tháng 4 mới nối được liên lạc với Tập đoàn quân xe tăng 4 (Liên Xô) tại Khotyn.[24]

Nhận thấy Quân đội Liên Xô đã tiến vào lãnh thổ Moldova; các mũi tiến công của phương diện quân Ukraina 1 và 2 đã chia cắt Cụm Tập đoàn quân Nam (Đức) thành hai mảnh; Tập đoàn quân 8 của Đức đã bị chia cắt khỏi Tập đoàn quân xe tăng 1 và cuối cùng được phiên chế vào Cụm Tập đoàn quân A; I. V. Stalin cho rằng đối tượng mới của Phương diện quân Ukraina 2 lúc này chính là Cụm Tập đoàn quân A hiện đang bị Phương diện quân Ukraina 3 bao vây ở Bereznegovatoye – Snigirevka. Ông gợi ý với I. S. Konev rằng một cơ hội mở ra cho Phương diện quân Ukraina 2 khi họ có thể mở một đòn tấn công tại hướng Nam để cắt đứt đường lui của Cụm tập đoàn quân A phía bên kia Dniester và cùng với Phương diện quân Ukraina 3 tiêu diệt nó. Tuy nhiên, diễn biến trên chiến trường đã vượt ra ngoài dự đoán của I. V. Stalin.[25]

Tình hình ở cánh Nam của Phương diện quân Ukraina 2 bắt đầu diễn biến phức tạp. Ngày 1 tháng 4, các tập đoàn quân xe tăng 2 và 6 (Liên Xô) phải rất vất vả mới chiếm được trung tâm phòng ngự Bălţi rất mạnh do ba sư đoàn xe tăng Đức đóng giữ. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 đã suy yếu không thể tiến về Chişinău như kế hoạch mà phải hỗ trợ cho Tập đoàn quân 52 khép chặt sườn trái với Tập đoàn quân cận vệ 4. Để cứu vãn tình hình, 18 sư đoàn và 3 lữ đoàn Đức - lực lượng dự bị chiến lược cuối cùng của quân Đức trong khu vực Balkan đã được đưa đến chiền trường. Trước tình hình quân Đức được tăng viện và sức kháng cự của họ tăng dần lên, vào thượng tuần tháng 4 năm 1944, Quân đội Liên Xô chuyển sang phòng ngự dọc theo khu vực Dubăsari, phía bắc Iaşi, và cách 60 cây số về phía Nam Botoşani. Trên hướng này, Tập đoàn quân 8 (Đức) đã tổ chức phòng thủ thành công khi đưa đến đây 4 sư đoàn xe tăng và 1 sư đoàn cơ giới. Mặt trận của Phương diện quân Ukraina 2 cũng bị chia đôi. Cánh Bắc đã ở hữu ngạn sông Prut và tác chiến trên lãnh thổ Romania - Moldova. Cánh Nam, trong đó có ba tập đoàn quân xe tăng vẫn còn ở bên tả ngạn sông Prut và phải đối phó với các đòn phản công sắp tới của quân Đức.[18]

Trên biên giới Romania

Các tập đoàn quân xe tăng của Phương diện quân Ukraina 2 đã tiến đến biên giới Moldova với những tổn thất không nhỏ trên hành trình hơn 350 km tấn công. Nhiều xe tăng đã bị hỏng do nguyên nhân chiến sự và kể cả các nguyên nhân phi chiến sự. Nguyên soái I. S. Konev thừa nhận đến ngày 2 tháng 4, Tập đoàn quân xe tăng 2 chỉ còn lại 36 xe tăng và 12 pháo tự hành, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 chỉ còn lại 9 xe tăng và 7 pháo tự hành, Tập đoàn quân xe tăng 6 còn 40 xe tăng và 6 pháo tự hành. Bộ tư lệnh Phương diện quân đã phải tạm rút các Quân đoàn xe tăng 29 (đang chiến đấu như bộ binh) khỏi Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5, đưa về Pervomaisk để trang bị lại. Thay vào đó là Quân đoàn cơ giới 8 lấy từ lực lượng dự bị của Phương diện quân đang đóng trong khu vực Bălţi. Các lữ đoàn pháo tự hành 10 và 61 từ lực lượng dự bị cũng được điều đến Quân đoàn xe tăng 18 và Quân đoàn cơ giới cận vệ 5. Quân đội Liên Xô tạm ổn định phòng ngự trên tiền duyên từ Dubotsary, qua phía Bắc Iaşi đến Paşcani nhưng không còn sức tấn công.[3]

Trong khi đó, tướng Otto Wöhler được tăng viện Sư đoàn xe tăng 23 từ Cụm tập đoàn quân A (tái lập), Sư đoàn xe tăng 3 SS "Totenkopf", Sư đoàn xe tăng SS "Grossdeutschland" lấy từ Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) và Sư đoàn xe tăng "Đại Romania" của Tập đoàn quân 4 Romania. Các sư đoàn xe tăng 3, 13, 14 (Đức) được phục hồi đã tăng đáng kể sức chiến đấu. Các mục tiêu Targu Frumos, Podu Iloaiei, Heleşteni và Paşcani phía Bắc và Tây Bắc Iaşi trở thành trọng điểm của cuộc chiến. 15 sư đoàn bộ binh lấy từ Cụm tập đoàn quân Srbya, Cụm tập đoàn quân F ở Khrvatya và Cụm tập đoàn quân E ở Hy Lạp đã được điều đến tăng viện cho Tập đoàn quân 8 (Đức). Với lực lượng còn sung sức, tướng Otto Wöhler không chỉ tin tưởng phòng ngự tích cực mà còn tính đến chuyện phản công, hất quân đội Liên Xô ra xa biên giới Romania.[26]

Ngày 9 tháng 4, Quân đoàn bộ binh 35 (Tập đoàn quân 27) tấn công vào các thị trấn Hârlǎu. Sư đoàn bộ binh cận vệ 42 (Tập đoàn quân 40) đánh chiếm Paşcani. Các sư đoàn bộ binh 1 và 6 Romania phòng thủ tại đây đều bị đánh bại nhanh chóng. Quân đoàn bộ binh 35 chiếm được khu bàn đạp Podu Iloaiei có chiều rộng 11 km, chiều sâu 4,5 km. Như thường lệ, xe tăng Liên Xô được đưa ngay đến căn cứ bàn đạp vừa chiếm được. Ngày 10 tháng 3, Tập đoàn quân xe tăng 2 (Liên Xô) tổ chức đột phá trên bờ Đông sông Prut và đánh chiếm Targu Frumos. Ngày 11 tháng 4, Sư đoàn xe tăng SS "Grossdeutschland" gồm 160 xe tăng, kể cả 40 xe tăng Panther và 40 xe tăng Tiger I đã tổ chức phản công. Với số lượng xe tăng áp đảo, Sư đoàn "Grossdeutschland" đã đánh bật Tập đoàn quân xe tăng 2 (Liên Xô) về phía Bắc từ 8 đến 11 km, chiếm lại bàn đạp Podu Iloaiei và cô lập cánh quân bộ binh Liên Xô gồm các sư đoàn bộ binh 93, 206 và Sư đoàn đổ bộ đường không 3 hiện đang có mặt tại Targu Frumos. Các quân đoàn bộ binh 1 và 7 Romania cũng liên tục vây ép ba sư đoàn Liên Xô. Ngày 12 tháng 3, Quân đoàn xe tăng 20 (Liên Xô) được điều đến cửa đột phá, mở đường cho 3 sư đoàn Liên Xô thoát vây. Sau trận đánh, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô tiếp tục rút Tập đoàn quân xe tăng 2 khỏi mặt trận để trang bị lại và điều nó đến hướng Lvov - Kovel[3]

Ngày 6 tháng 5, Phương diện quân Ukraina 2 nhận được lệnh chuyển sang trạng thái phòng thủ giữ vững các trận địa đã chiếm lĩnh trên tuyến Krasnoylsk, Felticheny, Paşcani, Bắc Iaşi, Orgeev, Dobutsary. Tuy nhiên, I. V. Stalin vẫn yêu cầu I. S. Konev vạch kế hoạch để chuẩn bị tấn công vào cuối tháng 5. Nhưng một lần nữa, kế hoạch tấn công này đã không được thực hiện do cuộc phản công lần thứ hai của Tập đoàn quân 8 (Đức) trên khu vực phía Bắc Iaşi. Ngày 30 tháng 5, tướng Otto Wöhler tập trung 4 sư đoàn xe tăng, 1 sư đoàn cơ giới và 7 sư đoàn bộ binh tổ chức phản công từ Iaşi lên phía Bắc, dọc theo con đường sắt Iaşi - Bălţi. Các sư đoàn Romania cũng tấn công đồng loạt trên tuyến Targu Frumos - Paşcani. Cánh quân của các sư đoàn xe tăng "Grossdeutschland", 14, 23 (Đức) đạt được kết quả lớn nhất, họ đã đẩy lùi quân đội Liên Xô thêm 30 km về phía Bălţi và đe dọa tiến vào sau lưng các Tập đoàn quân 27, 40 và cận vệ 7 (Liên Xô) đang ở phía Tây sông Bug. Bộ Tư lệnh Phương diện quân Ukraina 2 phải điều ngay Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 đã được tái trang bị phối hợp với Tập đoàn quân xe tăng 6 chặn đứng các sư đoàn xe tăng Đức ở phía Nam Bălţi, đẩy lùi các sư đoàn này về phía Iaşi. Trong các trận đánh từ 30 tháng 5 đến ngày 6 tháng 6, hai bên đều thiệt hại nặng nề. Quân Đức giữ được tuyến đường sắt Paşcani - Iaşi - Chişinău - Tiraspol rất quan trọng cho việc cơ động phòng thủ. Quân đội Liên Xô giữ thế phòng ngự ở mặt trận này và chuyển hướng tấn công lớn sang chiến trường Byelorussia.[27]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_tấn_công_Uman–Botoşani http://www.scribd.com/francis_ouseph/d/51414529-We... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec43.html http://9may.ru/17.04.1944/inform/m4465 http://militera.lib.ru/h/davtyan/04.html http://militera.lib.ru/h/dorogami_pobed/08.html http://militera.lib.ru/h/grylev_an/03.html http://militera.lib.ru/h/grylev_an/05.html http://militera.lib.ru/h/grylev_an/app.html http://militera.lib.ru/h/samsonov2/15.html http://militera.lib.ru/h/sb_crusade_in_rossia/03.h...